Trước năm 2013 công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đảm nhiệm. Bắt đầu từ năm 2013 công tác đào tạo nghề nông nghiệp được UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhiệm.
Học viên xã Mỹ Thạnh Bắc, Đức Huệ thực hành trồng nấm trong lớp học đào tạo nghề nông nghiệp
Để triển khai đào tạo nghề nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi Cục phát triển nông thôn làm đầu mối giúp Sở thực hiện công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp. Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường, Phòng Kinh tế thành phố Tân An xây dựng kế hoạch và tham mưu cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị thuộc sở tích cực tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp.
Việc chuyển giao công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho ngành nông nghiệp đảm nhiệm có những thuận lợi cơ bản. Trước hết, hệ thống các đơn vị tham gia dạy nghề của ngành có tổ chức đến các huyện. Thứ hai, số lượng cán bộ kỹ thuật của ngành rất lớn, với đủ lĩnh vực ngành nghề, có kiến thức, có kinh nghiệm thực tế và kỹ năng thực hành, nhiều năm gắn bó với đồng ruộng và với bà con nông dân. Thứ ba, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trong nông nghiệp được ngành thực hiện từ nhiều năm nay. Một thuận lợi cũng hết sức quan trọng nữa là hầu hết người lao động sau khi học nghề nông nghiệp xong đều có việc làm, vì đa số họ vẫn làm nghề cũ; một số khác chuyển đổi sang nuôi, trồng những loại cây, con mới, nhằm tận dụng được ưu thế về tài nguyên đất đai, mặt nước, sản phẩm phụ nông nghiệp sẵn có của địa phương, tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao hơn. Vì thế công tác dạy nghề của ngành luôn mang tính thiết thực, khả thi cao.
Sau gần một năm đảm nhiệm công tác đào tạo nghề nông nghiệp, bước đầu ngành đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo tổng hợp từ các đại phương trong tỉnh, đến 30/9/2013 có 14/15 huyện, thị, thành phố đã mở được 95 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 2.852 lao động dự học, đạt 81,5% chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh. Với đà này, khả năng sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2013. Một số huyện đạt kết quả cao như Châu Thành, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Đức Hòa; Các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Cần Giuộc đạt khá. Riêng huyện Bến Lức chưa tổ chức được lớp nào.
Trung tâm Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là đơn vị có chức năng dạy nghề đã mở được 17 lớp, 513 người dự học nghề nuôi trồng thủy sản. Các đơn vị khác cũng tích cực tham gia công tác đào tạo nghề, như Trung tâm Khuyến nông đã tham gia dạy nghề 23 lớp có 601người dự học; Chi cục Bảo vệ thực vật tham gia 13 lớp với 403 người dự học.
Qua gần 01 năm thực hiện, có thể khẳng định: việc chuyển giao công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho ngành nông nghiệp là phù hợp, thiết thực. Đã phát huy được vai trò chỉ đạo, điều hành, tham gia của toàn hệ thống ngành, gắn được trách nhiệm quản lý sản xuất nông nghiệp với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho lao động nông nghiệp; giúp cho công tác đào tạo nghề thiết thực, hiệu quả hơn. Kinh nghiệm mở lớp năm 2013 cũng cho thấy: Nếu lớp được mở tại địa bàn xã thì rất thuận lợi cho việc huy động học viên, cũng như việc duy trì sỹ số trong suốt khóa học.
Công tác dạy nghề nông nghiệp năm 2013 đã mang lại hiệu quả khá rõ: Đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; góp phần đưa nhanh những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao vào thay thế những loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp (như trồng cỏ nuôi bò sữa thay cho trồng lúa ở các xã ngoại thành thành phố Tân An; hoặc luân canh lúa - mè – lúa ở các xã trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia). Thu nhập của lao động học nghề tăng hơn so với trước, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Sau đây là một số lớp dạy nghề đạt hiệu quả cao.
Lớp dạy nghề sản xuất lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại ấp Cầu Chùa xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước tổ chức, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm giáo viên. Người nông dân tham dự lớp học được hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân hóa học; sử dụng nấm xanh thay cho thuốc hóa học để phòng trừ rầy nâu tại ruộng lúa của mình. Nhờ sử dụng phân hữu cơ, giảm phân, thuốc hóa học mà gạo Nàng Thơm Chợ Đào có hương thơm đặc trưng, cơm mềm rất ngon; chi phí sản xuất giảm; lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình bình quân trên 15 triệu đồng/ha. Toàn bộ sản lượng lúa (diện tích 62,5 ha) được Công ty ECOFARM bao tiêu.
Năm 2013 các huyện tổ chức được 10 lớp dạy nghề trồng nấm rơm, cho gần ba trăm lao động. Đối tượng học nghề chủ yếu là lao động hộ nghèo, không có hoặc có ít đất sản xuất. Do tận dụng được nguồn nguyên liệu rơm rất dồi dào, giá rẻ, nên chi phí sản xuất nấm thấp, giá bán nấm khá cao. Sau khi học nghề trồng nấm, 01 lao động thu nhập bình quân khoảng 200.000đ/ngày, giúp cho nhiều hộ có thu nhập khá và ổn định. Điển hình như ở các xã Mỹ Thạnh Bắc (huyện Đức Huệ); Bình Hiệp, Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường) và một số xã ở huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Hưng.
Lớp dạy nghề nuôi tôm ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành cũng là điển hình mang lại hiệu quả cao. Qua học nghề nuôi tôm (sú, hoặc thẻ chân trắng), người nuôi đã nắm vững kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng trị bệnh cho tôm nên rất hiệu quả, lãi tăng nhiều so với trước khi học nghề. Điển hình như hộ ông Trần Văn Chiến (4000m2 ao, xã Phước Lại - Cần Giuộc) trước đây chỉ lãi 10-30 triệu đồng, nay vụ 1 lãi 60 triệu đ, vụ 2 lãi 180 triệu; hộ ông Võ Ngọc Thanh (4000m2 ao, xã Phước Lại - Cần Giuộc) trước có vụ lỗ, có vụ lãi ít, nay đã nuôi 1 vụ lãi 80 triệu đồng; Ông Phan Văn Tới (4000m2 ao, xã Thanh Vĩnh Đông- Châu Thành) trước lỗ 3 vụ liên tiếp, nay lãi 50 triệu đồng/vụ; Ông Trần Minh Chín (2700m2 ao, xã Thanh Vĩnh Đông- Châu Thành) trước lỗ 4 vụ liên tiếp, nay lãi 40 triệu đồng/vụ. Ngoài ra còn rất nhiều hộ nuôi tôm khác ở các xã nêu trên đều có lãi cao sau khi được học nghề.
Tuy công tác đào tạo nghề nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả khá, nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, cụ thể là tiến độ triển, khai thực hiện còn chậm; số lao động được học nghề vẫn còn thấp so với yêu cầu; công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ sở chưa thật sự chặt chẽ đồng bộ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp, trong những năm tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường và Phòng Kinh tế thành phố Tân An cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các xã để nắm sát nhu cầu học nghề và quản lý học viên khi đã mở lớp; phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, với cơ sở dạy nghề để tổ chức, quản lý các lớp dạy nghề chặt chẽ, có chất lượng. Mặt khác, cần tiếp tục kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách, như cho một lao động được học 02 nghề; tăng độ tuổi được học nghề thêm 5 năm; tăng mức hỗ trợ cho lao động hộ nghèo học nghề sát với giá cả thị trường.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm tích lũy được trong công tác đào tạo nghề năm 2013; với quyết tâm và năng lực của ngành nông nghiệp, có thể nhận định rằng công tác đào tạo nghề nông nghiệp sẽ ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Long An.
Tô Ngọc Xuân
Phó Chi cục trưởng
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Long An