Trong 6 tháng đầu năm 2014 toàn tỉnh đã mở 53/163 lớp dạy nghề nông nghiệp với 1.555 học viên, đạt 34,5/% so với kế hoạch(1.555/4500 học viên); số nghề đào tạo là 23 nghề, trong đó nghề có nhiều học viên đăng ký tham gia nhất là các nghề: Kỹ thuật trồng và bảo vệ thực vật trên cây thanh long (300 học viên), kỹ thuật trồng và bảo vệ thực vật trên cây lúa (285 học viên), kỹ thuật nuôi trâu bò (260 học viên), kỹ thuật trồng nấm rơm (115 học viên). Các huyện thực hiện triển khai tốt công tác dạy nghề nông nghiệp bao gồm: Châu Thành đạt cao nhất 100%, huyện Thạnh Hóa đạt 66,6%. Có 11 cơ sở tham gia dạy nghề nông nghiệp. Khai giảng lớp học kỹ thuật trồng thanh long
Trong năm 2014, hầu hết các đơn vị cấp huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường và Phòng Kinh tế TP. Tân An) chủ trì tổ chức công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Riêng huyện Đức Huệ, Phòng Nông nghiệp và PTNT chỉ phối hợp, tham gia. Về kinh phí đào tạo nghề, các huyện, thị xã, thành phố đều tập trung đầu mối quyết toán ở Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
Qua theo dõi tình hình nhìn chung các địa phương và cơ sở dạy nghề có sự phối hợp tốt và chặt chẽ, bà con nông dân tham dự học đảm bảo số lượng học viên.
Như vậy, qua 6 tháng đầu năm 2014, phần lớn các huyện đã sớm triển khai công tác đào tạo nghề, có 13/15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố mở lớp dạy nghề nông nghiệp. Công tác dạy nghề nông nghiệp thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao vào thay thế những loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp. Nhiều lớp đào tạo nghề mang lại hiệu quả cao, như: Lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và BVTV trên cây thanh long; lớp dạy nghề luân canh lúa - mè – lúa; lớp dạy kỹ thuật trồng nấm rơm…). Hầu hết lao động học nghề nông nghiệp đều có việc làm sau học nghề và có thu nhập cao hơn so với trước khi học, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù vậy, tiến độ triển khai thực hiện đào tạo nghề vẫn còn khá chậm, qua 6 tháng toàn tỉnh mới đạt trên 34,5% kế hoạch. Việc duy trì sĩ số lớp học vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều học viên là lao động chính phải nuôi gia đình, trong khi chế độ hỗ trợ tiền ăn cho người học còn thấp, rất khó dự học đầy đủ, liên tục. Thời gian học một số nghề còn quá dài, cần phải biên soạn lại chương trình cho phù hợp.
Trong 6 tháng cuối năm các huyện quyết tâm phấn đấu đào tạo nghề đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao cả năm 2014. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra giám sát và hoàn thành xây dựng 8 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2014.
Nguyễn Văn Trung
Chi cục Phát triển nông thôn