
Trụ sở hợp tác xã ARTEMIA tỉnh Bạc Liêu
Nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của tỉnh học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh bạn và thực hiện chủ trương của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã xây dựng kế hoạch và phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm với các HTX nông nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu và Đồng Tháp từ ngày 19/11/2015 đến ngày 20/11/2015.
Đoàn học tập có 33 người, gồm có Ban tổ chức 04 người, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân tỉnh 02 người; đại diện cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Trụ 01 người và 26 người là giám đốc, phó giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, thành viên của 14 HTX nông nghiệp, 01 liên hiệp HTX. Ông Nguyễn Trung Giang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn.
Hợp tác xã ARTEMIA tỉnh Bạc Liêu: Được thành lập từ năm 31/12/2002 với 13 thành viên, số thành viên trực tiếp tham gia làm việc cho HTX là 13 (thành viên là đại diện hộ 13). Vốn điều lệ khi thành lập 140 triệu đồng. Năm 2007, HTX thành lập 01 đơn vị trực thuộc là Công ty TNHH 1 thành viên cua giống Bạc Liêu. Công ty chuyên sản xuất giống cua biển. Đến tháng 12/2013, tổng vốn điều lệ của HTX là 3.935 triệu đồng. Ngành nghề hoạt động: Gia công, chế biến, tiêu thụ trứng Artemia, sản xuất kinh doanh cua biển giống.
Quy mô: Về diện tích bên cạnh diện tích đất sản xuất thực nghiệm; HTX liên kết với các HTX khác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trứng artemia. Ngoài ra, HTX còn có Công ty TNHH 1 thành viên cua giống Bạc Liêu chuyên sản xuất giống cua biển với công suất 5 triệu con/năm. Diện tích nhà xưởng, trại sản xuất giống: 2.000m2. Diện tích đất sản xuất thực nghiệm: 11 ha. Diện tích HTX hỗ trợ đầu tư sản xuất bằng các hình thức đầu tư có hoàn lại 250 ha.
Về quy mô hành chính: HTX có trụ sở đặt trên địa bàn ấp Biển Tây, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Thông qua hình thức liên kết với các HTX đối tác, địa bàn hoạt động của HTX đã mở rộng ra các địa phương khác như: Liên kết các hộ dân nuôi Artemia thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu; HTX Thuận Thành, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình; HTX Thuận Phát, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình; với HTX Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Về tổ chức bộ máy HTX: HTX tổ chức theo hình thức 1 bộ máy vừa quản lý, vừa điều hành gồm 01 Giám đốc, 02 phó giám đốc, 01 kiểm soát viên, 05 cán bộ chuyên môn. Thâm niên các thành viên Hội đồng quản trị là 11 năm, kế toán HTX là 06 năm. HTX thành lập 04 tổ dịch vụ hỗ trợ các HTX đối tác cung ứng các dịch vụ cho các thành viên.
Kết quả HTX đạt được qua các năm gần đây về Tổng doanh thu năm 2013 là 17.794 triệu đồng, năm 2014 là 25.000 triệu đồng. Về lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 1.400 triệu đồng, năm 2014 là 2.500 triệu đồng.
Quang cảnh Đoàn Long An học tập kinh nghiệm tại HTX ARTEMIA tỉnh Bạc Liêu
HTX được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, T.Ư Hội nghề cá Việt nam, Liên Minh HTX Việt Nam, Ủy Ban Dân Tộc khen thưởng với các hình thức như: Cờ Thi đua với thành tích là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua lĩnh vực HTX thủy sản, Cúp vàng "Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng" của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Giải thưởng vì sự phát triển cộng đồng các dân tộc Việt Nam của Ủy Ban Dân Tộc; Bằng khen với thành tích đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế, Bằng khen với thành tích trong phong trào thi đua nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế xa hội của tỉnh, Bằng khen với thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2002-2012,… Bằng khen với thành tích là đơn vị có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2013 của Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam; Bằng khen "Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác góp phần xây dựng hội nghề cá Việt nam" của Trung ương Hội nghề cá Việt nam; …
Trụ sở HTX DV NN Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp
Hợp tác xã thứ hai Đoàn Long An đến là HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. HTX Tân Cường được thành lập từ năm 2000, vốn điều lệ 650 triệu đồng, vốn hoạt động 14.000 triệu đồng, tài sản cố định 1.900 triệu đồng, vốn lưu động 12.100 triệu đồng. Với 237/385 hộ thành viên. Diện tích trong HTX là 1.214 ha, trong đó lúa 3 vụ 720 ha, lúa 2 vụ 494 ha.
Tháng 10/2014 HTX tổ chức chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và xây dựng phương án thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp, vốn điều lệ từ 650 triệu đồng tăng lên 42.650 triệu đồng với sự tham gia của 356 hộ thành viên.
HTX hoạt động với nhiều ngành nghề như: Dịch vụ nông nghiệp (bơm tưới, tiêu nước, làm đất bằng tia Lazer, gặt đập liên hợp, bảo quản hàng hóa, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp); sấy nông sản; cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV); sản xuất kinh doanh giống cây trồng vật nuôi; xay xác; mua bán nông lâm thủy sản và phụ phẩm nông nghiệp; tín dụng nội bộ; cung cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn; cơ khí gia công.
Bộ máy tổ chức của HTX theo hình thức 02 bộ máy vừa quản lý vừa điều hành, trong đó bộ máy quản lý hội đồng quản trị 07 người; bộ máy điều hành, ban giám đốc 06 người là thành viên hội đồng quản trị; kiểm soát viên 01 người, bộ phận chuyên môn 10 người.
Cơ sở vật chất HTX có 10 trạm bơm điện; trụ sở và nhà kho chứa 4.000 tấn; hệ thống cấp nước sạch; các cơ sở vật chất do Dự án cạnh tranh nông nghiệp tài trợ gồm nhà kho, máy sấy, máy san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer,..

Quang cảnh Đoàn Long An làm việc Với HTX Tân Cường
Các thành viên đoàn học tập, đại diện của các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp của tỉnh Long An đã trao đổi kinh nghiệm với các HTX tỉnh bạn với các nội dung như: Tổ chức bộ máy của HTX; kinh nghiệm hoạt động tín dụng nội bộ, cách tính lương của ban quản lý, cách chia lãi cho xã viên, huy động và quản lý nguồn vốn của HTX; Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ của HTX; các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các HTX; cách thức vận động thành viên tham gia HTX,…đã được các HTX tỉnh bạn trao đổi nhiệt tình, thiết thực và đầy đủ.
Sau khi đến trao đổi với các HTX nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu và Đồng Tháp các thành viên đoàn học tập đã có một số nhận định: Đây là những HTX có tài sản tương đối lớn, đặc biệt là vốn lưu động, do đó khá thuận lợi cho HTX khi đầu tư mở rộng các hoạt động dịch vụ; Cán bộ quản lý HTX có tâm huyết cao, luôn ổn định, đặc biệt là có bề dày về kinh nghiệm quản lý, tổ chức của HTX và có uy tín đối với xã viên. Do đó đã góp phần tạo nên sự đoàn kết thống nhất rất cao trong các xã viên và hiệu quả kinh doanh của HTX; Các hoạt động dịch vụ của HTX đều do xã viên quyết định và giám sát; tài sản, tài chính của HTX được công khai, minh bạch, chia lãi cho xã viên theo tỷ lệ vốn góp và mức độ sử dụng dịch vụ (đối với HTX DVNN Tân Cường đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012), do đó đã tạo nên được sự tin tưởng và thống nhất cao của xã viên đối với bộ máy quản lý của HTX,…
Qua kết quả của chuyến học tập này, phần lớn các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp của tỉnh tham dự đều cho rằng việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với các HTX nông nghiệp ngoài tỉnh là rất cần thiết, do đó đề nghị hàng năm nên tổ chức để cho các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp của tỉnh có điều kiện được giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động hợp tác xã nông nghiệp để các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp của tỉnh có thể vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế vào HTX mình trong thời gian tới./.
Nguyễn Thu Sương
Chi cục Phát triển nông thôn