Với áp lực dịch bệnh luôn đe dọa như hiện nay thì việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi tất yếu có khuynh hướng gia tăng, thậm chí không ít trường hợp lạm dụng, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc của các loại mầm bệnh, không kể các trường hợp vô tình hay hữu ý một số người chăn nuôi sử dụng cả các loại kháng sinh, hóa chất cấm lưu hành. Thực trạng này là nguyên nhân gây nên tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Qua tìm hiểu thực tế, việc hiểu biết và sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất đối với không ít bà con chăn nuôi vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như không nắm rõ thành phần, tác dụng của thuốc, việc lựa chọn kháng sinh, hóa chất sử dụng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hay tư vấn của các cửa hàng thuốc thú y, nhiều hộ chăn nuôi có khuynh hướng tăng liều sử dụng cao hơn so với khuyến cáo, ít chú ý đến liệu trình điều trị, cách cấp thuốc cũng chưa hoàn toàn đúng, nhiều nơi trộn kháng sinh vào thức ăn hay pha nước uống gần như liên tục hàng ngày, chưa chú ý yêu cầu về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi bán sản phẩm thịt, trứng, sữa...
Các mặt tồn tại nêu trên vừa tự gây lãng phí vừa tiềm tàng các mối nguy hại đến sức khỏe con người mà như chúng ta biết có thể ban đầu chỉ gặp một vài hiện tượng dị ứng, phản ứng quá mẫn nhưng về lâu dài thì tạo ra những chủng vi sinh vật kháng thuốc gây khó khăn, tốn kém cho việc điều trị bệnh trên người. Vì vậy, trên hết là cần sử dụng kháng sinh, hóa chất đúng cách và hợp lý, nhất là khi chúng ta đang định hướng chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy hại do sử dụng không đúng kháng sinh, hóa chất; bà con chăn nuôi cần quan tâm áp dụng các biện pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm lưu hành.
Thứ hai, cần tìm hiểu và áp dụng đúng nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh và điều trị bệnh.
Thứ ba, luôn cẩn thận khi lựa chọn loại kháng sinh sử dụng để đảm bảo hiệu quả dùng đúng thuốc, đúng bệnh.
Thứ tư, tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn về liệu trình, liều lượng sử dụng đối với từng loại kháng sinh cụ thể được ghi trên nhãn thuốc.
Thứ năm, cần thực hiện đúng yêu cầu về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi xuất bán sản phẩm để đảm bảo thuốc đã được phân giải, loại thải hoàn toàn, không gây còn bất kỳ sự tồn dư nào có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thực tế, kiến thức về sử dụng thuốc thú y không đơn giản; do đó, bà con chăn nuôi khi có vấn đề gì chưa rõ cần chủ động liên hệ với các Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông ở địa phương để được hướng dẫn.
Phòng Chăn nuôi
Trung tâm Khuyến nông