Ngày 08/6/2017 (14/5 Âm lịch), Chi cục Thủy sản tổ chức quan trắc chất lượng môi trường nước nuôi tôm tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ.
Kết quả: Có 07 chỉ tiêu được kiểm tra. Trong đó, có 03/07 chỉ tiêu là phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm như Nhiệt độ; Độ trong; Hàm lượng NH3. Bên cạnh đó, còn một số chỉ tiêu chưa phù hợp như: pH phần lớn tại điểm quan trắc có pH thấp như huyện Cần Đước, huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ, không thích hợp nuôi tôm (dao động từ 6,0 – 6,5). Độ mặn phần lớn tại tất cả các điểm quan trắc độ mặn thấp như huyện Cần Đước, huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ và điểm cầu Ông Chuồng huyện Cần Giuộc, không thích hợp để nuôi tôm (dao động từ 0 – 2,0‰). Độ kiềm tại tất cả các điểm quan trắc độ kiềm trong môi trường nước thấp, không thích hợp nuôi tôm (dao động từ 21,8 – 65,4 mg/l). Hàm lượng oxy hòa tan tại điểm quan trắc như điểm Kênh Hàn thuộc huyện Cần Giuộc, điểm bến đò Xã Bảy thuộc huyện Tân Trụ và các điểm thuộc Cần Đước hàm lượng oxy hòa tan thấp, không thích hợp để nuôi tôm (dao động từ 3,0 – 3,5 mg/l).
Kết quả phân tích Virus đốm trắng cho thấy có 08/08 mẫu giáp xác thu ngoài tự nhiên trong vùng nuôi tôm tập trung đều âm tính với virus gây hội chứng đốm trắng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn: Khu vực Long An mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng có lúc gián đoạn, có nơi nắng nóng, chiều và tối có mưa rào và dông vài nơi, có nơi mưa vừa, mưa to, kèm theo gió giật mạnh và lốc xoáy.
Hiện nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và sốc môi trường vẫn còn xuất hiện tại một số nơi. Do đó, người nuôi tôm nên thường xuyên kiểm tra ao nuôi và có biện pháp xử lý nước cấp vào ao nuôi; giữ mức nước ao nuôi từ 1,5 m trở lên và thường xuyên chạy quạt cung cấp oxy cho tôm nuôi.
Theo diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc, kết quả phân tích mẫu giáp xác trong vùng nuôi, các hộ dân nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề sau:
Các hộ nuôi tôm có thể lấy nước để cấp vào ao nuôi tôm trong đợt triều cường này. Tuy nhiên, nên hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, mà phải cấp nước qua ao lắng bằng lưới lọc, xử lý thật kỹ nhằm hạn chế nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi; tăng cường bổ sung thêm vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
Tại các điểm có độ kiềm thấp, cần nâng độ kiềm đạt 80 – 120 mg/l bằng các sản phẩm như: Dolomite, Alkaline kết hợp với khoáng và bón vôi,…; thường xuyên chạy quạt để hạn chế sự phân tầng nhiệt độ nước và cung cấp oxy cho tôm nuôi; bón vôi để ổn định pH.
Hiện nay, có mưa đầu mùa ở nhiều nơi, ngày nắng nóng. Do đó người nuôi tôm cần lưu ý: Gia cố bờ ao cẩn thận để tránh hiện tượng rửa trôi phèn, bón vôi quanh bờ ao và thường xuyên theo dõi tôm nuôi, tình hình thời tiết, dịch bệnh, chất lượng môi trường nước ao nuôi và nước cấp để có biện pháp xử lý kịp thời./.
Trần Văn Ngọt
Chi cục Thủy sản