Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Skip Navigation LinksNgười dân cần biết

  
  
Tóm tắt
Nội dung
  
  
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước tại các huyện vùng hạKết quả quan trắc chất lượng môi trường nước tại các huyện vùng hạ

   Ngày 08/6/2017 (14/5 Âm lịch), Chi cục Thủy sản tổ chức quan trắc chất lượng môi trường nước nuôi tôm tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ.

   Kết quả: Có 07 chỉ tiêu được kiểm tra. Trong đó, có 03/07 chỉ tiêu là phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm như Nhiệt độ; Độ trong; Hàm lượng NH3. Bên cạnh đó, còn một số chỉ tiêu chưa phù hợp như: pH phần lớn tại điểm quan trắc có pH thấp như huyện Cần Đước, huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ, không thích hợp nuôi tôm (dao động từ 6,0 – 6,5). Độ mặn phần lớn tại tất cả các điểm quan trắc độ mặn thấp như huyện Cần Đước, huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ và điểm cầu Ông Chuồng huyện Cần Giuộc, không thích hợp để nuôi tôm (dao động từ 0 – 2,0‰). Độ kiềm tại tất cả các điểm quan trắc độ kiềm trong môi trường nước thấp, không thích hợp nuôi tôm (dao động từ 21,8 – 65,4 mg/l). Hàm lượng oxy hòa tan tại điểm quan trắc như điểm Kênh Hàn thuộc huyện Cần Giuộc, điểm bến đò Xã Bảy thuộc huyện Tân Trụ và các điểm thuộc Cần Đước hàm lượng oxy hòa tan thấp, không thích hợp để nuôi tôm (dao động từ 3,0 – 3,5 mg/l). 

   Kết quả phân tích Virus đốm trắng cho thấy có 08/08 mẫu giáp xác thu ngoài tự nhiên trong vùng nuôi tôm tập trung đều âm tính với virus gây hội chứng đốm trắng.

   Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn: Khu vực Long An mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng có lúc gián đoạn, có nơi nắng nóng, chiều và tối có mưa rào và dông vài nơi, có nơi mưa vừa, mưa to, kèm theo gió giật mạnh và lốc xoáy.

   Hiện nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và sốc môi trường vẫn còn xuất hiện tại một số nơi. Do đó, người nuôi tôm nên thường xuyên kiểm tra ao nuôi và có biện pháp xử lý nước cấp vào ao nuôi; giữ mức nước ao nuôi từ 1,5 m trở lên và thường xuyên chạy quạt cung cấp oxy cho tôm nuôi.

   Theo diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc, kết quả phân tích mẫu giáp xác trong vùng nuôi, các hộ dân nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề sau: 

   Các hộ nuôi tôm có thể lấy nước để cấp vào ao nuôi tôm trong đợt triều cường này. Tuy nhiên, nên hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, mà phải cấp nước qua ao lắng bằng lưới lọc, xử lý thật kỹ nhằm hạn chế nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi; tăng cường bổ sung thêm vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.

   Tại các điểm có độ kiềm thấp, cần nâng độ kiềm đạt 80 – 120 mg/l bằng các sản phẩm như: Dolomite, Alkaline kết hợp với khoáng và bón vôi,…; thường xuyên chạy quạt để hạn chế sự phân tầng nhiệt độ nước và cung cấp oxy cho tôm nuôi; bón vôi để ổn định pH. 

   Hiện nay, có mưa đầu mùa ở nhiều nơi, ngày nắng nóng. Do đó người nuôi tôm cần lưu ý: Gia cố bờ ao cẩn thận để tránh hiện tượng rửa trôi phèn, bón vôi quanh bờ ao và thường xuyên theo dõi tôm nuôi, tình hình thời tiết, dịch bệnh, chất lượng môi trường nước ao nuôi và nước cấp để có biện pháp xử lý kịp thời./.

Trần Văn Ngọt
Chi cục Thủy sản
09/06/2017 8:00 SAĐã ban hành
Tập trung chăm sóc và gieo sạ lúa hè thu năm 2017Tập trung chăm sóc và gieo sạ lúa hè thu năm 2017

 Tính đến ngày 04/5/2017, vụ lúa hè thu 2017 toàn tỉnh đã gieo sạ được 87.421 ha/KH 221.700 ha, đạt 39,4% so với kế hoạch, tập trung ở các huyện Đồng Tháp Mười, diện tích thu hoạch 16.930 ha, năng suất khô 58 tạ/ha, sản lượng 98.493 tấn. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn: Mùa mưa năm 2017 thực sự bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5, có nơi đầu tháng 5 tùy theo vùng. Thời kỳ ít mưa có khả năng xảy ra vào cuối tháng 7, 8 và mùa mưa sẽ kết thúc vào cuối tháng 11/2017; Thời gian xuất hiện đỉnh lũ cao nhất năm 2017 tại các huyện đầu nguồn phía Bắc của tỉnh vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 10/2017; Nhiệt độ trung bình trong mùa mưa ở mức cao hơn TBNN, tháng 4 và nửa đầu tháng 5 là thời kỳ nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ở mức 35 - 37oC; Độ mặn từ nay đến hết mùa khô không còn gay gắt nữa. Nhằm đảm bảo thắng lợi trong sản xuất vụ hè thu 2017, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau: 

1. Đối với trà lúa hè thu sớm:

Chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và nguồn nước để kịp thời bơm tưới khi xảy ra hạn cục bộ; lưu ý các vùng có khả năng bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn và chủ động có các giải pháp để ứng phó kịp thời.

Chuẩn bị nước trong nội đồng đề phòng xâm nhập mặn và thiếu nước từ thượng nguồn; tranh thủ nguồn nước ngọt, dẫn nước hoặc bơm tưới cho lúa, nhất là tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ lúa làm đòng, trỗ. Cần chủ động các phương án tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn bất thường. 

Khuyến cáo nông dân chăm sóc, bón thúc sớm, tập trung, bón cân đối NPK, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, tăng dảnh lúa hữu hiệu, tăng khả năng chống chịu ngay từ giai đoạn đầu; khi bón phân cần có đủ nước tưới, sử dụng các dạng phân Urê chậm tan để chống thất thoát đạm.

Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý nhanh, kịp thời các dịch bệnh phát sinh nhất là rầy nâu, sâu năn trong điều kiện nắng nóng, có mưa xen kẽ 

2. Đối với sản xuất lúa hè thu chính vụ:

Các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất lùa hè thu chính vụ, tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ xuống giống hè thu năm 2017 hợp lý, đảm bảo thích ứng và linh hoạt với diễn biến nguồn nước ở các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước và gắn với lịch né rầy, cụ thể: 

- Tháng 6: Từ 02- 12/6/2017 (các huyện phía Nam và các vùng thiếu nguồn nước của các huyện phía Bắc nhưng có đê bao chống lũ).

3. Công tác khác

Tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 100-120kg/ha nhằm hưởng ứng chương trình “Giảm lượng giống lúa gieo sạ ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động. 

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các loại vật tư không đảm bảo chất lượng, hàng gian hàng giả trên thị trường./.

      Thành Lập
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

05/05/2017 11:00 SAĐã ban hành
Tình hình sinh vật gây hại từ ngày 18/5/2016 đến 24/5/2016 và dự báo trong tuần tớiTình hình sinh vật gây hại từ ngày 18/5/2016 đến 24/5/2016 và dự báo trong tuần tới

Tình hình sinh vật gây hại từ ngày 18/5/2016 đến 24/5/2016

1. Cây lúa hè thu: hiện nay gieo sạ được 138.749 ha/KH 222.500 ha, tập trung ở huyện Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, thành phố Tân An và các huyện Đồng Tháp Mười. Trong đó giai đoạn mạ 26.305 ha, đẻ nhánh 41.433 ha, đòng 18.166 ha, trỗ chín 22.502 ha, thu hoạch 30.343 ha.
Về sâu bệnh hại có: 
1. Cây lúa. 
Rầy nâu: DTN 1.060 ha, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m 2, tăng 30 ha so với tuần trước, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ ở huyện Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường. Rầy nâu đa số tuổi 5- trưởng thành.
Tuần qua rầy trưởng thành vào đèn rải rác ở các huyện Đồng Tháp Mười, trừ huyện Tân Thạnh rầy nâu vào đèn với mật số tương đối cao.
 Bệnh đạo ôn lá: DTN 3.180 ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, tăng 1.830 ha so với tuần trước, tập trung trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.
Ốc bươu vàng: DTN 1.850 ha, mật độ 1-3 con/m2, giảm 680 ha so với tuần trước, xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ ở huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, trong đó có 100 ha mật độ 7-10 con/m2 (Vĩnh Hưng).
Sâu cuốn lá: DTN 1.030 ha, mật độ 10-20 con/m2, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ ở huyện Đức Huệ, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Sâu đa số tuổi 3-5.
Ngoài ra còn có ngộ độc phèn (746 ha), bọ trĩ (440 ha), chuột (380 ha), ngộ độc hữu cơ (250 ha), nhện gié (200 ha), rầy phấn trắng (155 ha), lem lép hạt (150 ha) xuất hiện rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng - trỗ chín.
Nhận xét:
Tình hình sâu bệnh hại tuần qua nổi bật có bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm tăng mạnh do điều kiện thời tiết những ngày qua có mưa, đồng thời đa số diện tích lúa hiện nay đang ở đoạn đẻ nhánh - đòng rất thích hợp để nấm bệnh phát sinh. Đối tượng rầy nâu, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng gây hại cục bộ với mật độ thấp, riêng ốc bươu vàng có 100 ha mật độ 7-10 con/m2 ở Vĩnh Hưng. Chuột, ngộ độc hữu cơ, bọ trĩ, rầy cánh phấn, ngộ độc phèn, nhện gié xuất hiện rải rác.
Ngoài ra tình hình thời tiết mưa lớn kèm theo dông lốc trong tuần qua đã làm đổ ngã một số diện tích lúa hè thu sớm giai đoạn trỗ đều - chín cụ thể như ở Tân Thạnh có 300 ha (xã Tân Bình, Kiến Bình, Nhơn Ninh) bị ngã với tỷ lệ 3-5%, tại Tân Hưng có 120 ha (xã Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu) tỷ lệ ngã 40-50%.
2. Cây mía: 10.503 ha, trong đó giai đoạn cây con 5.525 ha, đẻ nhánh 470 ha, vươn lóng 3.500 ha, chín 1.008 ha.
Sâu bệnh gây hại trên mía ở huyện Bến Lức, Thủ Thừa có các đối tượng như: sâu đục thân (590 ha), sâu đục ngọn (440 ha), rầy đen (340 ha), rệp sáp (120 ha). 
Tuần qua đối tượng sâu đục thân, sâu đục ngọn, rầy đen có DTN gia tăng mạnh ở Bến Lức trên mía thời kỳ cây con - vươn lóng. Tại huyện Thủ Thừa tình hình tương đối ổn định, hầu hết các đối tượng đang phát sinh rải rác ở mức nhẹ.
3. Cây rau các loại: 1.390 ha.
Sâu bệnh hại rau ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa:
Trên rau các loại tình hình sâu bệnh hại phổ biến có sâu xanh (47 ha), rầy mềm (37 ha), bọ nhảy (36 ha), sâu tơ (34 ha), thán thư (34 ha)...
Tình hình thời tiết tuần qua tại các huyện trồng rau chủ yếu nắng nóng, mặc dù có mưa nhưng lượng mưa thấp nên diện tích rau đến nay vẫn không tăng, đặc biệt là ở huyện Cần Đước tình trạng hết nước tưới đang xảy ra ở một số diện tích trồng rau ăn trái. Về sâu bệnh hại rau tuần qua tương đối ổn định, trong đó sâu hại là đối tượng xuất hiện và gây hại phổ biến hiện nay, tuy nhiên đa số phát sinh và gây hại ở mức nhẹ. 
4. Cây chanh: 6.841 ha. Sâu bệnh hại cây chanh ở huyện Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ có:
Nhện đỏ: DTN 1.077  ha, tỷ lệ hại 5-10% lá, quả, tăng 18 ha so với tuần trước.
Bệnh nấm hồng: DTN 750 ha, tỷ lệ bệnh 5-10% cây, tương đương so với tuần trước.
Sâu vẽ bùa: DTN 721 ha, tỷ lệ hại 10-20% lá, giảm 4 ha so với tuần trước.
Bệnh ghẻ: DTN 580 ha, tỷ lệ bệnh 5-15% lá, quả, tương đương so với tuần trước.
Bệnh nứt thân xì mủ: DTN 257 ha, tỷ lệ bệnh 5-10% cây, tăng 7 ha so với tuần trước.
Bệnh vàng lá sinh lý: DTN 165 ha, tỷ lệ bệnh 5-10% lá, tăng 15 ha so với tuần trước.
Đối tượng nhện đỏ, bệnh vàng lá sinh lý, bệnh nứt thân có DTN gia tăng so với tuần trước. Trong đó đối tượng bệnh nứt thân xì mủ và bệnh vàng lá sinh lý phát sinh chủ yếu ở Đức Hòa trên những vườn chanh ít được chăm sóc, đặc biệt hiện nay thời tiết đang chuyển mùa một vài cơn mưa cũng là điều kiện để nấm bệnh phát sinh.
5. Cây thanh long: 7.280 ha. Giai đoạn sinh trưởng từ 1-10 năm tuổi. Sâu bệnh xuất hiện ở huyện Châu Thành có:
Bệnh đốm nâu: DTN 306 ha, tăng 4 ha so với tuần trước, tập trung chủ yếu trên vườn thanh long đang trong giai đoạn cho trái, hầu hết DTN bệnh ở mức nhẹ.
Do thời tiết tuần qua tại huyện Châu Thành có mưa là điều kiện để bệnh đốm nâu phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm so với tuần trước, tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ tăng nhẹ do áp lực bệnh chưa cao. 
6. Cây đậu phộng: hiện nay cây đậu phộng được gieo sạ chủ yếu ở huyện Đức Hòa với diện tích 728 ha. Tình hình sâu bệnh chỉ có rầy xanh (36 ha), sâu ăn tạp (31 ha), bệnh đốm lá xuất hiện rải rác trên đậu phộng giai đoạn cây con.

Dự kiến tình hình sinh vật gây hại tuần từ ngày 25/5 đến 31/5/2016

1. Cây lúa:
Rầy nâu: trưởng thành - trứng. DTN và mật độ giảm.
Bệnh đạo ôn lá: gia tăng DTN do thời tiết có mưa, ẩm độ không khí cao, đặc biệt hiện nay phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng rất dễ mẫn cảm với nấm bệnh.
Sâu năn, sâu cuốn lá, sâu phao, chuột: phát sinh và gia tăng DTN trên lúa đẻ nhánh - đòng chủ yếu ở các huyện Đồng Tháp Mười.
Ốc bươu vàng: DTN tăng, tập trung trên lúa giai đoạn mạ ở thành phố Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và các huyện Đồng Tháp Mười do thời tiết có mưa các huyện bắt đầu xuống giống, đặc biệt gây hại mạnh ở những chân ruộng trũng và khi thời tiết có mưa nhiều.
Lem lép hạt: phát sinh rải rác trên trà lúa hè thu sớm giai đoạn trỗ ở Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh do thời tiết có mưa.
2. Trên cây mía: Sâu đục ngọn, sâu đục thân, rầy đen tiếp tục gia tăng DTN trên mía gốc giai đoạn cây con - vươn lóng.
3. Rau các loại: Diện tích trồng tăng. Sâu tơ, bọ nhảy, rầy xanh, sâu xanh, bệnh thán thư, đốm lá, lở cổ rễ,… phát sinh và gây hại trên rau ăn lá và rau ăn trái. Đặc biệt trên rau trồng mới. 
4. Cây chanh: DTN nhện đỏ và sâu vẽ bùa giảm. Bệnh hại phát sinh do thời tiết có mưa, ẩm độ không khí cao. 
5. Cây thanh long: bệnh đốm nâu DTN và TLB gia tăng trên thanh long thời kỳ cho trái do thời tiết có mưa.
6. Cây đậu phộng: sâu ăn tạp, bệnh đốm lá, lở cổ rễ gia tăng DTN trên đậu phộng ở giai đoạn cây con.
Các chủ trương triển khai thực hiện trong thời gian tới
Trên lúa hè thu tiếp tục theo dõi diễn biến sâu bệnh hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu năn, bệnh đạo ôn lá, ốc bươu vàng,…đang phát sinh trên các trà lúa, cảnh báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra cần tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp cho nông dân quản lý tốt đồng ruộng.
Hiện nay thời tiết bắt đầu có mưa, trong thời gian tới lúa hè thu sẽ tiếp tục được xuống giống, do đó đối với huyện bị ảnh hưởng bởi nước mặn vận động nông dân tranh thủ nguồn nước mưa để rửa mặn nhiều lần, đối với những huyện không bị ảnh hưởng bởi nước mặn vận động nông dân diệt chuột, ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công hoặc bằng thuốc hóa học trước khi xuống giống.
Trên cây thanh long: Cần tập trung hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh, lưu ý một số hoạt chất cấm sử dụng trên thanh long.
Trên cây chanh: Theo dõi sát tình hình sâu bệnh. Tuyên truyền phổ biến sâu rộng về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, theo nguyên tắc 4 đúng, an toàn và hiệu quả.
                                                                                             Lê Thị Ngọc Luyến
Chi cục Bảo vệ thực vật

27/05/2016 5:00 CHĐã ban hành