Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn (2010 - 2020) toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 229.893 lao động, đạt 103,20% so với kế hoạch (Kế hoạch là 222.757 người). Trong đó, lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 là 60.465 người (nghề phi nông nghiệp là 19.124 người, chiếm tỷ lệ 31,63%; nghề nông nghiệp 41.341 người, chiếm tỷ lệ 68,37%), đạt 89,57% so với kế hoạch (Kế hoạch giai đoạn 2010-2020 là 67.506 lao động).
Công tác đào tạo nghề đã đạt được hiệu quả rõ rệt với 60.465 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề thì có 52.408 người có việc làm sau học nghề, đạt 86,67%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra (mục tiêu: giai đoạn 2010-2015 tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 70%, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 80%).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị tổng kết Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư với tổng mức đầu tư vốn là 8 tỷ đồng vào năm 2009. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí thu hồi đất và đầu tư trang thiết bị làm việc với số vốn 7 tỷ đồng. Trung tâm đặt tại xã Mỹ Phú huyện Thủ Thừa, gồm hội trường, 05 phòng học lý thuyết và các phòng làm việc, phòng tư vấn hỗ trợ nông dân, phòng tổ chức hành chính và phòng hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân
Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động đào tạo trình độ sơ cấp nghề nông nghiệp liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đạo tạo nghề dưới 3 tháng. Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân có chức năng của một đơn vị dạy nghề chính quy công lập, hoạt động theo Luật dạy nghề nhằm phát huy hiệu quả tối đa để góp phần hỗ trợ mọi mặt cho cán bộ, HV-ND; trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ lao động nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, đồng thời, định hướng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và thu nhật ổn định.

Nhìn chung, công tác dạy nghề trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về vai trò của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với sự phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chương trình đào tạo nghề cơ bản đáp ứng yêu cầu của người lao động trong việc ứng dụng vào sản xuất nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thể hiện được vai trò của Hội Nông dân trong việc tham gia thực hiện Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn./.
Anh Nhung
Chi cục PTNT và Thủy lợi