Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất chanh đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nông dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Theo Ông Lê Văn Nam – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, diện tích chanh trên địa bàn huyện hiện nay khoảng 7.137 ha, trong đó chanh không hạt hơn 6.564 ha, thị trường chủ yếu 90% xuất khẩu sang thị trường Trung đông và một số nước trong khu vực. Qua 03 năm triển khai việc ƯDCNC trong sản xuất chanh, diện tích ƯDCNC toàn huyện là 1.300 ha trong đó sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP và theo hướng VietGAP là hơn 200 ha. Để đẩy mạnh chương trình, huyện hỗ trợ nông dân cây giống sạch bệnh gồm 12 mô hình với 3.000 cây; thực hiện cánh đồng phòng trừ sâu, bệnh tại xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa với 40ha; hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm với 4 mô hình với 3,8ha; và tổ chức 30 cuộc tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật canh tác và quản lý sâu, bệnh,…Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây chanh đã giúp nông dân tiết kiệm trung bình 30% công lao động, 70-75% công tưới nước+bón phân, tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới; 30% chi phí tiền điện; giảm các chất độc hại có trong đất làm cho bộ rễ của cây phát triển tốt. Đặc biệt, mô hình này còn giúp bà con mở rộng sản xuất trên các vùng thiếu thốn nguồn nước, góp phần cải thiện đất, hạn chế quá trình hoang mạc hóa. Ông Lê Văn Nam cũng thông tin giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 1.200 ha chanh đã thực hiện ƯDCNC và phấn đấu đến năm 2025 đạt 1.500 ha.

Ảnh: Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trên cây chanh tại huyện Bến Lức
Theo Ông Phan Thượng Minh, Giám đốc điều hành công ty TNHH MTV the Fruit Republic Cần Thơ. Công ty đã thực hiện thu mua và triển khai ƯDCNC đối với nông dân trên địa bàn huyện từ năm 2016 với diện tích đạt chuẩn GlobalGAP và VietGAP hơn 150 ha, sản lượng thu mua khoảng 15.000 tấn/năm. Công ty có đội ngũ kỹ sư trực tiếp hướng dẫn người dân xuyên suốt về chăm sóc cây trồng, chỉ định phun thuốc bón phân, chăm sóc. Nhờ đó nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nông sản an toàn và đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Thời gian tới Công ty sẽ thực hiện dự án nông nghiệp phát triển chanh bền vững trên địa bàn tỉnh Long An mà trọng tâm sẽ thực hiện ƯDCNC trong sản xuất.
Ảnh: Đại diện công ty TNHH MTV the Fruit Republic Cần Thơ trình bày dự án nông nghiệp phát triển chanh bền vững trên địa bàn huyện Bến Lức.
Theo ông Trần Duy Thuận – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, xã Lương Hòa. Qua quá trình hoạt động và đút kết kinh nghiệm trong thời gian qua, HTX nhận thấy được hiệu quả của việc đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh, HTX mạnh dạn đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh có tổng kinh phí trên 603 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng. Máy có công suất 40 tấn/ngày với nhiều công đoạn nhưng là một dây chuyền sản xuất liên kết như rửa, lau bóng, làm khô và sau cùng là phân loại theo kích cỡ. Máy hoạt động theo hình thức bán tự động, tốc độ sơ chế và phân loại chanh nhanh, chính xác. Sản phẩm sau phân loại đạt đúng tiêu chuẩn, tỷ lệ phân loại lỗi thấp, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. So với lựa chanh bằng thủ công, máy cho năng suất cao hơn 2-3 lần, tiết kiệm chi phí nhân công. Sau khi có máy lựa chanh, HTX mạnh dạn liên kết với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ chanh từ các thành viên trong cũng như ngoài HTX. Bình quân mỗi ngày, HTX sơ chế, phân loại, đóng gói theo hình thức ủy thác từ 20-25 tấn chanh. Chanh được tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đi Singapore, Trung Đông, châu Âu,... Hoạt động khá ổn định, HTX tạo việc làm cho khoảng 50 lao động từ khâu chuyên chở, sơ chế, đóng gói. Ông Trần Duy Thuận cũng thông tin diện tích chanh của HTX vẫn xanh tốt và ra trái sum suê bấp chấp thời tiết bất thường, hạn, mặn xâm nhập sớm và khốc liệt bởi vì sau nhiều năm rút kinh nghiệm đối phó với hạn mặn ở khu vực xã Lương Hòa, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng thảm cỏ để bảo vệ cây chanh trong mùa hạn, mặn là rất hợp lý. Do đó, khi biết thông tin năm nay mặn xâm nhập sớm nên Ban Giám đốc HTX chỉ đạo thành viên giữ cỏ lại từ tháng 8/2019 để đối phó với hạn, mặn. Đến nay, phương pháp này cho thấy sự hiệu quả. Sở dĩ HTX làm được điều này là do có sự chuẩn bị từ trước một cách đồng bộ khi quy hoạch vườn chanh. Theo đó, HTX xây dựng bờ bao xung quanh vườn để ngăn mặn, đồng thời thiết kế khoảng cách giữa các liếp chanh khá rộng, đủ để sử dụng toàn bộ máy móc trong việc phun thuốc, thu hoạch và chăm sóc cho cây chanh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào từng gốc chanh.

Ảnh: Ứng dụng cơ giới hóa tại HTX DVNN Bến Lức, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức
ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Qua đó, vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa sản xuất ra sản phẩm sạch bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong thời gian tới, huyện Bến Lức sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi mô hình tưới tiết kiệm và quản lý dịch hại trên cây chanh…hướng đến nâng cao năng suất và chất lượng cây chanh.
Công Thương
Chi cục PTNT và TL