Ngày 22/4/2021, Ban quản lý dự án nông nghiệp tỉnh - Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tổ chức hội nghị tổng kết Dự án VnSAT tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020, kế hoạch năm 2021 do Ông Nguyễn Minh Lâm –PCT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án, Chủ trì. Tham dự Hội nghị gồm có thành viên Ban chỉ đạo và thành viên Ban quản lý dự án tỉnh, Tổ thực hiện dự án của 05 huyện, đại diện các xã, các HTX vùng dự án và các doanh nghiệp liên kết bao tiêu lúa gạo. Đại diện các báo, đài phát thanh và truyền hình cùng tham dự đưa tin.
Ông Nguyễn Minh Lâm –PCT UBND tỉnh chủ trì Hội nghị
Dự án VnSAT là dự án thuộc hợp phần lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, được Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 tại 08 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Mục tiêu của dự án là sản xuất lúa áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân tăng 30%/ha, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40 - 60 triệu USD/năm; hộ trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long được tiếp cận, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX); giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa; Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các tỉnh tham gia dự án.
Ông Nguyễn Thanh Truyền-GĐ Sở NN và PTNT phát biểu tại hội nghị
Tỉnh Long An triển khai thực hiện dự án với mục tiêu chung góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo. Quy mô diện tích vùng dự án là 49.593 ha. Số hộ tham gia 25.140 hộ. Địa bàn thực hiện ở 23 xã thuộc 05 huyện phía Bắc vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường). Đây là vùng quy hoạch lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Với mục tiêu cụ thể của tỉnh số người hưởng lợi là 60.000 người; Tăng lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân là 30%; Diện tích lúa áp dụng quy trình canh tác bền vững theo 3 Giảm 3 Tăng (3G3T) là 20.000 ha; Diện tích lúa áp dụng quy trình canh tác bền vững theo 1 Phải 5 Giảm (1P5G) là 9.000 ha; Diện tích áp dụng biện pháp canh tác bền vững tham gia hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp là 6.000 ha; Giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa là 133.333 tấn.
Đại diện HTX Vĩnh Thuận phát biểu tại hội nghị
Sau 05 năm triển khai đạt được kết quả như sau: Về kết quả hoạt động hỗ trợ thành lập tổ chức nông dân. Trong giai đoạn 2016-2020 dự án đã hỗ trợ thành lập mới 17 HTX trong vùng dự án, đồng thời củng cố nâng cao năng lực hoạt động của 10 HTX đã có trước dự án. Tổng cộng toàn vùng dự án có 27 HTX, với 3.818 thành viên (tăng 2.836 thành viên so với trước khi tham gia dự án), tương ứng diện tích sản xuất lúa là 11.702 ha (tăng 7.510 ha so với trước khi tham gia dự án), với tổng vốn điều lệ là 45.341 triệu đồng.
Về kết quả hỗ trợ các Tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX, giai đoạn 2016- 2020, dự án đã hỗ trợ 11 Tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho 11 HTX bao gồm các hạng mục như: 03 nhà kho, 11 trạm bơm, 16 trạm biến áp, 09 tuyến đường giao thông nội đồng, 2 cầu, 1 cống,…với tổng kinh phí 72,566 tỉ đồng, trong đó vốn IDA 58,969 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh đối ứng trên 13,597 tỉ đồng.
Về kết quả xây dựng chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, xây dựng thương hiệu: Nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ giữa các HTX tiên tiến với các doanh nghiệp, dự án đã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT lồng ghép vào các chương trình dự án của ngành, đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, xây dựng thương hiệu. Kết quả như sau: Hỗ trợ HTX NN Gò Gòn tham gia chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, thương hiệu của Ban Quản lý Dự án VnSAT Trung ương; 8 HTX tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh; Có 9 HTX tham gia sản xuất lúa giống có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, 07 HTX xây dựng nhãn hiệu; Diện tích hợp đồng bao tiêu lúa toàn vùng dự án vụ hè thu 2020 là 5.533 ha, trong đó trong HTX là 2.841 ha, ngoài HTX là 2.692 ha; vụ đông xuân 2020-2021 là 6.774 ha, trong đó trong HTX là 3.927 ha, ngoài HTX là 2.847 ha.
Bà Nguyễn Thị Diễm Quỳnh-PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị
Với sự tập trung chỉ đạo của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương; quyết tâm của Ban Quản lý dự án tỉnh, Tổ Thực hiện dự án VnSAT các huyện, thị xã cùng với nỗ lực đóng góp của bà con nông dân trong vùng dự án nên hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch, như: Số người hưởng lợi: 87.644 người, đạt 133% so với mục tiêu 66.000 người; Diện tích áp dụng qui trình canh tác bền vững theo 3G3T 20.128 ha, đạt 101% so với mục tiêu 20.000 ha; Diện tích áp dụng qui trình canh tác bền vững theo 1P5G 18.383 ha, đạt 204% so với mục tiêu 9.000 ha; Diện tích lúa áp dụng biện pháp canh tác bền vững có hợp đồng bao tiêu vụ đông xuân 2020-2021 là 6.774 ha, đạt 113% so với mục tiêu 6.000 ha; Lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân so với bên ngoài dự án là 28,8% đạt 96% so với mục tiêu 30% (tăng 3-4 triệu đồng/ha); Giảm lượng phát thải khí nhà kính là 188.171 tấn CO2 đạt 141% so với chỉ tiêu giao 133.333 tấn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Năng lực hoạt động của các HTX còn nhiều hạn chế; Hoạt động liên kết chuỗi giá trị sản xuất lúa, gạo chưa thật sự bền vững, ổn định; Hoạt động mua sắm, đấu thầu, tổ chức thi công các Tiểu dự án đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên ảnh hưởng đến tiến độ, chậm so với kế hoạch chi tiết đã xây dựng,...
Thu Sương
Chi cục PTNT và TL