Để nắm bắt những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; các đề xuất, các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX). Từ đó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp các vấn đề phát sinh từ thực tiễn để nghiên cứu, tham gia thảo luận dự thảo Luật các tổ chức kinh tế hợp tác dự kiến cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4- Quốc hội khóa XV được hiệu quả và sát thực tế. Ngày 19 và 20/9/2022 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Đoàn khảo sát thực tế việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động của các HTX của 02 huyện Châu Thành và Thạnh Hóa. Thành phần Đoàn gồm Bà Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh - Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Nông dân tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Cấp huyện có đại diện lãnh đạo UBND huyện, các phòng chuyên môn (phòng NN và PTNT, phòng Tài chính Kế hoạch), đại diện UBND các xã và Hợp tác xã khảo sát.

Bà Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại HTX Ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa
Nội dung làm việc của Đoàn xoay quanh các vấn đề về thực hiện chính sách, pháp luật về HTX; đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, bất cập, tồn tại hạn chế và tìm nguyên nhân liên quan đến hoạt động của các HTX. Đặc biệt là các khó khăn vướng mắc về thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách khi thực hiện Luật HTX; sự chống chéo, thiếu thống nhất giữa quy định của Luật HTX với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác; quy định của pháp luật chưa phù hợp, chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế hợp tác, HTX;…
Qua báo cáo của đại diện các HTX như Hợp tác xã nông nghiệp Ấp 1 Tân Tây được thành lập cuối năm 2017, với ngành nghề kinh doanh là mua bán nông sản, phân bón, dịch vụ nông nghiệp, vốn Điều lệ của HTX là 200.500.000 đồng, có 8 thành viên chính thức và 43 thành viên liên kết. HTX có trự sở với diện tích 60 m2 (Đất của giám đốc HTX cho mượn). Tình hình hoạt động của HTX qua các năm với lợi nhuận sau thuế năm 2020 là 6.062.500 đồng, năm 2021 là 9.022.146 đồng, 06 tháng đầu năm 2022 là 15.919.000 đồng.
Trụ sở HTX NN Ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa
Bên cạnh đó, HTX cũng gặp khá nhiều khó khăn như: Năng lực của HTX còn nhiều hạn chế, đội ngũ quản lý đa phần là nông dân (các thành viên chính thức đã lớn tuổi) nên việc cập nhật kiến thức còn hạn chế; Chưa kinh nghiệm quản lý, điều hành trong tổ chức thực hiện các mô hình nên hiệu quả chưa cao; Vốn của HTX còn ít không thể đáp ứng trang thiết bị làm việc; Sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh, trong lúc vốn của HTX chưa đủ mạnh, cộng vào đó chưa có tài sản dẫn đến sản xuất kinh doanh tạo lợi nhuận nâng cao thu nhập cho thành viên chưa cao. Qua đó, HTX có một số kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến miễn giảm thuế đối với HTX; Có cơ chế đặc thù với đất xây dựng trụ sở HTX, hiện nay theo qui định đất xây dựng trụ sở HTX phải chuyển đổi từ đất khác sang đất sản xuất kinh doanh; vì trường hợp đất thuê, mượn thì rất khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích theo qui định; Tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các chính sách để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

Đoàn ĐBQH làm việc tại HTX RAT Dương Xuân, huyện Châu Thành
Đối với Hợp tác xã Dương Xuân được thành lập năm 2004 ban đầu có 57 thành viên, hiện nay là 115 thành viên tổng vốn góp là 3 tỉ đồng. Tổng tài sản của HTX hiện tại là 10.758.200.000 đồng. HTX đang hoạt động với 02 dịch vụ là cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết tiêu thụ thanh long. Về sản xuất HTX đã có chứng nhận Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho 90 hộ với tổng diện tích 66,3ha; Lập 2 mô hình điểm về sử dụng Nông nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại ấp Vĩnh Xuân A với 3.000m2 và ấp Mỹ Xuân 3200m2.Tổng số diện tích thanh long của thành viên đã công nhận Vietgap 66,3ha với sự tham gia của 90/115 thành viên HTX. Tổng số diện tích đăng ký sử dụng công nghệ cao: 380,55ha chia ra 20 tổ có 584 hộ tham gia.
Bên cạnh đó, HTX gặp một số khó khăn, vướng mắc trình độ của cán bộ quản lý HTX chưa đồng đều, một vài cán bộ quản lý còn hạn chế nên đôi lúc gặp khó khăn trong việc triển khai mở rộng dịch vụ sản xuất kinh doanh, chưa làm tốt vai trò hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, chưa tập hợp được nhiều nông dân tham gia. Việc ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn như: khả năng đàm phán còn nhiều hạn chế; sự đồng thuận của nông dân chưa cao trong ký kết hợp đồng tiêu thụ; HTX chủ yếu sản xuất kinh doanh các dịch vụ phục vụ nông nghiệp nên chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết, khí hậu và giá cả thị trường và tình hình dịch bệnh trên cây thanh long. HTX quy mô còn nhỏ, thiếu vốn và cơ sở vật chất, việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng có nhiều hạn chế. HTX đã kiến nghị, đề xuất các cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trong đó có quả thanh long. Tiếp tục hỗ trợ về cơ sở hạ tầng sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ vay vốn của các ngân hàng với lãi suất thấp, các khoản vay tín chấp trung hạn, dài hạn để HTX chủ động hơn trong việc xoay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Qua ý kiến thảo luận của các đại biểu huyện, xã, HTX, đại biểu của đoàn khảo sát; Các khó khăn, vướng mắc, giải pháp, các kiến nghị, đề xuất của các HTX và các đại biểu tham dự Đoàn khảo sát sẽ ghi nhận và tổng hợp, nghiên cứu để tham gia thảo luận dự thảo Luật các tổ chức kinh tế hợp tác dự kiến cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4- Quốc hội khóa XV./.
Thu Sương
Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi