Ngày 10/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng và cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Trong Quyết định đã công nhận sản phẩm gạo ĐTM tím lài Vĩnh Thuận với chủ thể sản xuất là Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thuận đạt chứng nhận 3 sao.
Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với việc phát triển của hợp tác xã trong tương lai, với lợi thế là HTX sản xuất lúa hướng VietGAP, hữu cơ và chức sản xuất theo hướng an toàn nhiều năm, năm 2022 HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở địa phương với sản phẩm gạo tím lài. Kết quả, sản phẩm tham gia được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, đạt mức phân hạng 03 sao.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân – Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận bên sản phẩm gạo trưng bày của HTX
Trao đổi về quá trình xây dựng sản phẩm OCOP gạo ĐTM tím lài Vĩnh Thuận, Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân- Giám đốc HTX chia sẽ: HTX Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Thuận sản xuất trên diện tích 513 ha lúa, trong đó có 120 ha lúa giống, 50 ha lúa sản xuất theo hướng VietGAP và 5 ha lúa hữu cơ (gạo đỏ, gạo tím và gạo huyết rồng). Ngay từ đầu thành lập, HTX đã lựa chọn phát triển theo hướng hữu cơ và VietGAP bởi vì trải qua thời gian, ô nhiễm nguồn nước, đất không khí bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ( BVTV) và phân bón hóa học là hiện tượng phổ biến trong các vùng nông nghiệp thâm canh. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, một lượng đáng kể thuốc và phân không được cây trồng tiếp nhận, sẽ lan truyền và và tích lũy trong đất, nước và các sản phẩm nông nghiệp dưới dạng dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó khiến tăng năng suất, diệt dịch bệnh nhanh nhưng chất lượng sản phẩm nông nghiệp không bảo đảm, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến tình trạng đất đai bị thoái hóa.
Chính vì vậy, muốn phát triển lâu dài, ít dịch bệnh, bảo đảm chất lượng an toàn nông sản để người tiêu dùng ưa thích là điều cần làm. Và phát triển theo hướng sạch, an toàn cũng là lựa chọn của các thành viên HTX. HTX áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào quá trình sản xuất sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Trong đó, sử dụng phân hữu cơ, trồng hóa quanh khu vực sản xuất để thu hút thiên địch, giảm lượng giống, phơi đất… là những biện pháp cơ bản giúp diện tích sản xuất của HTX ít bị dịch bệnh, không phải sử dụng thuốc BVTV, hoặc chỉ sử dụng trong điều kiện cho phép… Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để HTX xây dựng sản phẩm OCOP, Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân – Giám đốc HTX nói.
Anh Nguyễn Văn Bình (ngụ ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận) chia sẻ, các thành viên canh tác lúa hữu cơ dựa trên yếu tố phát triển môi trường bền vững, bảo đảm sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái. Vì vậy, việc cải tạo đất, quản lý cỏ dại và phòng trừ sâu, bệnh đều không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay diệt cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Trong quá trình canh tác, HTX hướng dẫn thành viên thả vịt và nuôi cá trên ruộng lúa để diệt sâu, rầy,... Bên cạnh đó, các phương pháp phòng trừ sâu, bệnh truyền thống như dùng thảo dược (ớt, tỏi, nấm xanh, nấm trắng, vôi bột,…) nhằm xua đuổi côn trùng, trồng hoa sinh thái thu hút các loài thiên địch cũng được áp dụng hiệu quả. Khi nghe tin HTX được công nhận sản phẩm OCOP gạo ĐTM tím lài Vĩnh Thuận bản thân tôi và các thành viên HTX khác vô cùng vui sướng, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục tuân thủ theo các quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP nhằm tạo ra các sản phẩm lúa, gạo sạch, an toàn.

Ảnh: Cánh đồng lúa tím lài của HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng
Trao đổi về định hướng phát triển của HTX sau khai công nhận sản phẩm OCOP, Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân – Giám đốc HTX chia sẽ thêm: “Trong thời gian tới HTX sẽ chủ động quy hoạch vùng sản xuất lúa tím lài, thực hiện sản xuất lúa theo hướng VietGap, hữu cơ và thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững với các đối tác, doanh nghiệp. Đối với sản phẩm gạo ĐTM tím lài sau khi được công nhận, HTX sẽ sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in và dán trên bao bì của sản phẩm nhằm góp phần tạo điều kiện để sản phẩm của HTX có chỗ đứng vững trên thị trường, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An: HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận là HTX sản xuất lúa đầu tiên của tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm lúa, gạo và là HTX thứ 04 của tỉnh được công nhận có sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, Sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, chú trọng thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhanh về số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển các loại hình hợp tác xã trong các lĩnh vực, chú trọng hợp tác xã nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản…/.
Công Thương
Chi cục PTNT và TL