Ngày 15/02/2023, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025, trong đó có chuyên đề về “Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gắn với phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị nông sản” do đại diện Cục Kinh Tế Hợp Tác Và Phát Triển Nông Thôn trình bày. Hội nghị được tổ chức trong 02 ngày 15-16/02/2023 tại Hội trường - Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thuỷ sản Hải Phòng (Số 804 đường Thiên Lôi, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) và truyền hình trực tiếp lên trang fanpage NTM Trung ương.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác trình bày chuyên đề về tổ chức sản xuất tại hội nghị
Tham dự hội nghị đại diện thành viên Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh, huyện và các xã. Đại diện các sở ngành, cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã của các tỉnh.
Theo nội dung trình bày của ông Lê Đức Thịnh thì những năm qua nông nghiệp đã trở thành “cứu cánh” hay “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tăng trưởng của ngành luôn duy trì ở mức khá 2,0-3,0% năm, kể cả trong thiên tại, đại dịch xảy ra; sản lượng lương thực duy trì trên mức 50 triệu tấn, trong đó riêng lúa đạt 43-44 triệu tấn/năm, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong nước và còn dư để xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan “Đó là mệnh lệnh!” vì nông nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm yếu cố hữu, điều mà các chuyên gia Ngân hàng thế giới gọi đó là “gót chân A-sin” nông nghiệp Việt Nam. Như sự “lạm dụng” phân hóa học, thuốc BVTV và khai thác quá mức khiến cho nguồn lực đất đai, nước ngọt suy kiệt và ô nhiễm, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học suy giảm đe dọa khả năng phát triển bền vững; Do chạy năng suất, theo sản lượng nên vấn đề nâng cao chất lượng nông sản ít được quan tâm, giá thành cao khiến sức cạnh tranh sản phẩm thấp. Đặc biệt, nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường xong không biết hoặc không hiểu thị trường; Doanh nghiệp và nông dân cần nhau nhưng lại không thể xây dựng quan hệ bền vững; năng suất, sản lượng liên tục tăng mà thu nhập của nông dân lại tăng chậm; Người sản xuất cần vốn, cần khoa học kỹ thuật nhưng ngân hàng và các tổ chức chuyển giao khoa học lại khó tiếp cận đến hàng triệu hộ nhỏ.
Mục tiêu của việc đổi mới tư duy và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển tổ chức nông dân và liên kết chuỗi. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò của tổ chức hợp tác của nông dân ... là một trong những giải pháp chính thực hiện Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021. Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp thông qua phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị nông sản là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022.
Hình ảnh nội dung chuyên đề về tổ chức sản xuất tại hội nghị
Nội dung chuyên đề về Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gắn với phát triển hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị nông sản do Cục Kinh Tế Hợp Tác Và Phát Triển Nông Thôn trình bày tập trung vào việc tổ chức sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp định hướng liên kết chuỗi là yêu cầu khách quan và là một trong 03 trụ cột (cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển khoa học công nghệ) của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay. Nội dung của tổ chức sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp định hướng liên kết chuỗi bao gồm từ phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã), phát triển hợp đồng nông sản, chuỗi giá trị; xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn.
Sau buổi tập huấn các đại biểu tham dự được trang bị kiến thức về tổ chức sản xuất lại nông nghiệp về mặt lý luận về hợp tác xã và tư tưởng về hợp tác trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, sẽ nắm và áp dụng hiểu quả phù hợp với từng điều kiện thực tế của địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới./.
Thu Sương.
Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi