Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), mặc dù được đầu tư nhiều nhưng toàn tỉnh Long An chỉ mới có 4 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Quyết tâm cải thiện tình trạng này, ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu trong năm 2023 sẽ có thêm nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ các HTX.
Đến nay, toàn tỉnh có 77 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao. Tuy nhiên, các đơn vị đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh đa phần đều là doanh nghiệp và hộ kinh doanh gia đình, số lượng HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP chiếm rất ít (chỉ 5,2%).
Ảnh: Giám đốc hợp tác xã Rau an toàn Mười – Lê Văn Giấy chăm sóc vườn cải xanh của thành viên hợp tác xã.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi, đến ngày 12/03/2023 toàn tỉnh có 199 HTX đang hoạt động như sau: HTX trồng trọt là 162 HTX, chăn nuôi 20, nuôi thủy sản là 12, tổng hợp là 05 HTX. Tổng vốn điều lệ các HTX là hơn 197 tỷ đồng với tổng số lượng thành viên hơn 7.000 người. Diện tích sản xuất hơn 20.700 ha. Số lượng HTX có sản phẩm đạt chuẩn OCOP là 04 HTX. Cụ thể, HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước) với sản phẩm cải xanh Long Khê; HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) với 2 sản phẩm: Rau thơm Phước Thịnh và rau mát Phước Thịnh; HTX Rau an toàn Phước Hiệp (huyện Cần Giuộc) với 5 sản phẩm rau đạt chứng nhận OCOP (hành lá, cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách xoong, rau ngót và HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) với sản phẩm gạo tím lài Vĩnh Thuận.
Về hiệu quả sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, Ông Lê Văn Giấy – Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai cho biết “Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm rau của HTX RAT Mười Hai ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, đã vào được các hệ thống siêu thị,… Chương trình OCOP đã tạo sân chơi, cơ hội để HTX sản xuất ra sản phẩm có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện tại, HTX không ngừng ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, đầu tư thêm các máy móc, trang thiết bị và thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau sạch. Tất cả sản phẩm đều được sơ chế, rửa qua nước sục ozone, đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc”.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh cho biết, để cải thiện tình trạng này, thời gian tới, đơn vị tập trung phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ các HTX xác định hàng hóa chủ lực hướng đến sản xuất gắn với thị trường. Đặc biệt là chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cá nhân, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đối với các HTX chưa có sản phẩm OCOP, đơn vị đề nghị các HTX cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của HTX; kết nạp thêm thành viên, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, v.v…Riêng đối với các HTX đã có sản phẩm OCOP, đơn vị sẽ tạo điều kiện để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh./.
Công Thương
Chi cục PTNT và TL