Đến nay, tỉnh Long An đã có 77/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 46,4% tổng số xã toàn tỉnh. Số tiêu chí đạt bình quân/xã đạt 15,5 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu khu vực nông thôn năm 2018 đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vị trí địa lý là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ, tiếp giáp Vương quốc Campuchia với 132,77 km đường biên giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay đã đặt nhiệm vụ cho công tác đào tạo nghề là cung cấp đủ nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao cho thị trường sử dụng lao động. Việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tái cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 490/QD-UBND ngày 14/02/2011 về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Long An”. Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 12/6/2013 về việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”. Hàng năm, tỉnh đều ban hành Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được
Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 53.896 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, tốt nghiệp 49.937 người, đạt 92,65%. Trong đó 45.269 người có việc làm sau học nghề, đạt 83,99% (so với lao động nông thôn được học nghề), vượt mục tiêu Đề án đặt ra (giai đoạn 2010-2015 tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 70%, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 80%). Lao động nông thôn được đào tạo thuộc 02 lĩnh vực: Lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Trong 53.896 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề thì có 845 người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 19,45% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề; 2.668 người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 4,95% tổng số lao động tham gia học nghề.
Nông dân huyện Châu Thành áp dung Kỹ thuật trồng thanh long theo VietGAP mang lại lợi nhuận cao
Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua tỉnh Long An đã tổ chức 04 kỳ Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh. Tại ba kỳ hội thi trước (tổ chức vào các năm 2010, 2013 và 2016), tuyển chọn được các mô hình, thiết bị tham dự Hội thi cấp toàn quốc được xếp giải: Năm 2010 đạt 04 giải khuyến khích; năm 2013 đạt 02 giải ba và 03 giải khuyến khích; năm 2016 đạt 01 giải nhất, 02 giải ba và 06 giải khuyến khích. Các mô hình, thiết bị dự thi được sử dụng trong giảng dạy, học tập đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần giảm áp lực đầu tư thiết bị ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh năm 2019, tỉnh đã tuyển chọn 6 mô hình (chiết rót - đóng nắp; dây chuyền máy trộn sơn; hệ thống phun dầu điện tử Commonrail Huyndai Santa Fe D4EA; sấy thực phẩm sử dụng bơm nhiệt kết hợp hồng ngoại; Thực tập khí nén; Sửa chữa mát tính, máy in) tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia lần thứ VI, năm 2019.
Đặc biệt việc thực hiện các mô hình điển hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thực sự mang lại hiệu quả cụ thể như:
Mô hình đào tạo nghề “nuôi cá lóc trong vèo” tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng do Trạm Khuyến ngư vùng Đồng Tháp Mười thuộc Trung tâm Thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng thực hiện năm 2011. Qua tham gia lớp học các học viên đã nắm vững được kiến thức và vận dụng thành thạo kỹ thuật nuôi, các biện pháp phòng trị bệnh cho cá lóc vào thực tế sản xuất, tỷ lệ sống của cá đạt 75% (theo cách nuôi cũ tỷ lệ sống của cá chỉ đạt 50%) và năng suất tăng thêm 100 kg/m3 góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống cho bà con nông dân. Tuy nhiên, mô hình phải sử dụng thức ăn là cá nhỏ đã ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản nên không được triển khai nhân rộng.
Mô hình đào tạo nghề “kỹ thuật trồng nấm rơm” cho lao động nông thôn triển khai năm 2014 do Trường Cao đẳng nghề Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường thực hiện tại xã Bình Hiệp; Trung tâm Dạy nghề Đức Huệ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ thực hiện tại xã Mỹ Thạnh Bắc. Sau khi tốt nghiệp nhiều học viên đã tổ chức sản xuất nấm rơm tại hộ gia đình thu được lợi nhuận, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống, cung cấp thêm nguồn phân hữu cơ cho một số loại cây trồng và giải quyết thời gian nông nhàn của lao động ở nông thôn. Mô hình dễ áp dụng, kinh phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh và đạt hiệu quả kinh tế tương đối cao và hiện nay đang nhân rộng ở các địa phương phù hợp trong tỉnh.
Học viên học nghề trồng nấm rơm
(lớp tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường)
Các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Kỹ thuật trồng lúa theo Vietgap (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò (xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ), Kỹ thuật trồng rau an toàn (xã Lợi Bình Nhơn và phường Khánh Hậu, thành phố Tân An) và Kỹ thuật trồng thanh long theo Vietgap (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) năm 2017 hiện đang triển khai nhân rộng ở các địa bàn phù hợp của tỉnh.
Các nghề phi nông nghiệp triển khai có hiệu quả như: Nghề hàn, cắt gọt kim loại, sửa chữa thiết bị may, may công nghiệp, điện công nghiệp ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc; nghề may công nghiệp, sửa chữa động cơ nổ ở các huyện Đức Huệ, Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường... cho lực lượng thanh niên nông thôn học nghề tự tạo việc làm, vào làm việc doanh nghiệp; nghề đan giỏ nhựa ở huyện Cần Đước, Tân Thạnh, Đức Huệ, nghề làm hoa vải ở thành phố Tân An và huyện Tân Trụ... cho lao động nữ gia công tại hộ gia đình; Các nghề nông nghiệp hiệu quả ở địa phương như: Kỹ thuật trồng thanh long theo VietGAP ở huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ; kỹ thuật trồng chanh ở huyện Bến Lức; kỹ thuật trồng nấm rơm ở thị xã Kiến Tường, huyện Đức Huệ; kỹ thuật trồng rau an toàn ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc; kỹ thuật chăn nôi bò thịt ở huyện Đức Hoà, Đức Huệ...
Học viên học lớp Kỷ thuật chăn nuôi bò thịt
(lớp tại xã An Ninh Tây huyện Đức Hòa)
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề chằm nón lá ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa và nghề may giỏ xách tại xã Phước Vân, huyện Cần Đước và thành lập 02 tổ liên kết hoạt động hiệu quả từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Có thể nói, qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án, được sự hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự quyết tâm triển khai của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên các nội dung hoạt động của Đề án đã được triển khai đồng bộ và hiệu quả, từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xác định nghề cần đào tạo, đến việc tổ chức đào tạo nghề gắn với phát triển nguồn nhân lực nông thôn tại địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Với kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2010 đến nay đã góp phần đưa tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của tỉnh Long An đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra, cụ thể: Năm 2016 là 62,86/62%; năm 2017 là 65,68/65%; năm 2018 là 67,56/67%; dự kiến tỷ lệ lao động qua đào tạo giai đoạn 2019-2020 là 70%.
Việc đào tạo nghề đã chú trọng gắn với việc làm sau đào tạo, gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã, gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và với phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Giải pháp trong thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện Đề án ”Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” góp phần nâng cao tiêu chí Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng nông thôn mới. Theo UBND tỉnh Long An, trong thời gian tới, cần chỉ đạo và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 12/6/2013 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo, đài của địa phương xây dựng, duy trì, cập nhật các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động nông thôn, trong đó chú trọng tuyên truyền những mô hình đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm, giảm nghèo có hiệu quả, qua đó động viên lao động tham gia học nghề.
Hai là: Thường xuyên kiện toàn và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg cấp tỉnh, huyện và Tổ Chỉ đạo cấp xã. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, bảo đảm giữ vững mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả giữa các thành viên.
Ba là: Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, không chạy theo số lượng. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau học nghề”. Tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển đổi nghề; đào tạo nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Bốn là: Tổ chức rà soát danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.
Năm là: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc phòng Kinh tế) với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, UBND xã và doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu đào tạo, tư vấn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí đào tạo gắn với giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn sau học nghề.
Sáu là: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, rà soát điều chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo đúng theo quy định, sát thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tổ chức đào tạo nghề thông qua nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành nghề cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm về an toàn lao động, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn để đảm bảo hiệu quả của việc dạy và học nghề.
Bảy là: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ công vụ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã. Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, đảm bảo tiêu chuẩn của ngạch công chức cấp xã.
Tám là: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên theo dõi, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, tăng cường phối hợp, đi cơ sở hỗ trợ địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chín là: Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể các cấp tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc thông tin, tuyên truyền, tư vấn, vận động hội viên, đoàn viên tham gia công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hình thức phù hợp. Phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án.
Anh Nhung
Chi cục PTNT và THủy lợi